Ngày nay, kim cương đã có thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm với giá thành không quá đắt như kim cương tự nhiên. Do những tính chất cơ học, quang học, nhiệt học, hóa học và điện tử đặc biệt của nó, kim cương nhân tạo hứa hẹn mang lại nhiều ích lợi quan trọng, vượt xa ra ngoài lĩnh vực sản xuất đồ nữ trang.
Kim cương nhân tạo không phải là sản phẩm mới. Hoạt động sản xuất kim cương nhân tạo đã trở thành lĩnh vực kinh doanh ổn định từ khoảng nửa thế kỷ nay. Ngày nay, hàng năm có hơn 100 tấn kim cương được sản xuất trên toàn thế giới. Những công ty đi đầu trong lĩnh vực này là Diamond Innovation, Sumitomo Electric, De Beers. Những hạt kim cương nhỏ tí xíu hiện đang được sử dụng cho các lưỡi cưa dùng để cắt đá; gắn trong các mũi khoan dùng để khoan khai thác dầu khí, v.v…
Những viên kim cương tổng hợp đầu tiên đã được sản xuất vào đầu thập niên 1950 tại Phòng thí nghiệm Allmana Svenska Elektriska tại Stockholm (Thụy Điển). Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này đã không công bố ngay kết quả công trình của mình. Nhưng một thời gian ngắn sau đó các nhà nghiên cứu của Công ty General Electric đã công bố trong tạp chí Nature về việc họ đã tổng hợp thành công kim cương. Cả hai nhóm nghiên cứu trên đều sử dụng nhiệt độ và áp suất cao tương đương những điều kiện mà người ta cho là cần thiết để tạo thành kim cương trong tự nhiên.
Công ty Genesis tại Florida (Mỹ) đang chế tạo kim cương trong các khoang nuôi cấy tinh thể với áp suất và nhiệt độ cực cao. Trong mỗi khoang, một mẩu nhỏ kim cương tự nhiên được nhúng trong dung dịch nóng chảy của grafit và chất xúc tác kim loại thích hợp ở nhiệt độ khoảng 1.500oC và áp suất 58.000 atmosphere. Trong những điều kiện đó, carbon kết tủa dần lên tinh thể mầm kim cương và chỉ trong vòng ba ngày rưỡi, người ta thu được một viên kim cương thô 2,8 cara với chất lượng bậc đá quý.
Một viên kim cương thô với kích thước như vậy có thể được cắt và mài để thu được một viên kim cương lớn hơn 1,5 cara (tương đương 100 mg kim cương và nhỏ bằng một hạt thóc). Giống như kim cương màu vàng trong tự nhiên, kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Genesis cũng có màu vàng do có mặt các vi lượng nitơ (nếu 5 trong số 100 nghìn nguyên tử carbon trong lưới tinh thể kim cương bị thay thế bằng các nguyên tử nitơ thì kim cương sẽ có màu vàng đặc trưng này).
Kim cương với những màu được ưa thích như vàng, xanh, hồng, đỏ là những viên kim cương rất hiếm nên giá trị cũng rất cao. Giá kim cương màu vàng của Genesis (hầu như không thể phân biệt được với kim cương tự nhiên) khoảng 4.000 USD mỗi cara, thấp hơn khoảng 30% so với kim cương tự nhiên có màu sắc và chất lượng tương đương.
Trước công ty Genesis, các công ty Sumitomo Electric và De Beers đã thông báo việc tổng hợp các viên kim cương lớn theo các quy trình tương tự. Nhưng hai công ty này chỉ sử dụng kim cương nhân tạo của mình trong các dụng cụ điện tử hoặc cho mục đích nghiên cứu. Còn Genesis sản xuất kim cương dùng cho lĩnh vực trang sức. Do kim cương màu vàng của công ty này hầu như không thể phân biệt được với kim cương tự nhiên nên nhiều chuyên gia trong ngành trang sức lo ngại chúng có thể bị nhầm lẫn với kim cương tự nhiên. Vì vậy, các công ty sản xuất kim cương thường dùng tia laze để viết ký hiệu lên các viên kim cương của mình nhằm mục đích phân biệt sản phẩm. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng phép phổ ký hồng ngoại và phát quang để phân biệt giữa kim cương tự nhiên với kim cương nhân tạo.
Những tính chất tuyệt vời của kim cương được điều chỉnh bởi những lượng tạp chất nằm trong mạng lưới tinh thể carbon, đó cũng chính là những tạp chất tạo ra màu của kim cương tự nhiên. Kim cương với lưới tinh thể carbon hoàn hảo, không có khuyết tật thì sẽ không có màu. Những loại kim cương như vậy là những chất cách điện lý tưởng, vì năng lượng cần thiết để di chuyển điện tử trong, lưới tinh thể của nó rất cao. Nhưng nếu các nguyên tử carbon trong mạng lưới tinh thể này bị thay thế bằng các nguyên tử Bo (tạp chất gây ra màu xanh tuyệt đẹp ở một số loại kim cương hiếm) thì kim cương sẽ trở thành chất bán dẫn.
Nhưng phương pháp tổng hợp ở áp suất và nhiệt độ cao chỉ cho phép kiểm soát việc bổ sung tạp chất một cách hạn chế và kích thước của hạt kim cương cũng bị hạn chế. Do đó, một số công ty đã tổng hợp kim cương bằng phương pháp kết lắng hơi hóa chất ở áp suất thấp (phương pháp CVD). Công ty Apolo Diamond ở Boston (Mỹ) áp dụng phương pháp này để sản xuất các lát kim cương đủ lớn, có thể cắt thành các viên kim cương cỡ vài cara. Nhìn chung, phương pháp CVD cho phép sản xuất kim cương có kích thước lớn hơn và giá thành thấp hơn so với phương pháp áp suất và nhiệt độ cao, đồng thời việc bổ sung tạp chất cũng được kiểm soát tốt hơn. Vì vậy người ta có thể sản xuất nhiều loại kim cương không màu và có màu, như màu hồng, xanh, nâu, thậm chí cả kim cương màu đen.
Phương pháp CVD áp suất thấp được Wiliam G. Eversole tại Công ty Union Carbide công bố lần đầu tiên năm 1952. Nhưng khi đó nhiều người nghi ngờ kết quả này vì cho rằng do có lẫn grafit nên kim cương sẽ không bền về mặt nhiệt động học. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc tổng hợp kim cương ở áp suất thấp là sự ngu ngốc hoặc lừa đảo, vì nó vi phạm Định luật nhiệt động học thứ hai. Sau đó, Công ty Union Carbide đã từ bỏ dự án sản xuất kim cương của mình. Nhưng một nhóm nhỏ các nhà khoa học Mỹ và Nga đã kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu này. Cuối thập niên 1960, giáo sư Angus tại Đại học Tổng hợp Case Western Reserve (Mỹ) đã chứng minh việc nuôi cấy kim cương bằng phương pháp CVD là khả thi. Trong thập niên 1980, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu vật liệu vô cơ, Nhật Bản, đã hoàn thiện phương pháp này để có thể áp dụng trên quy mô thương mại với hiệu quả kinh tế.
Cho đến những năm gần đây, phần lớn kim cương được nuôi cấy bằng phương pháp CVD không phải là đơn tinh thể mà là đa tinh thể. Kim cương đa tinh thể là sự “chắp vá” của các tinh thể kim cương nhỏ (đôi khi cả các tinh thể grafit nhỏ). Do nó giữ được nhiều tính chất tốt của kim cương đơn tinh thể nên kim cương đa tinh thể cũng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, do liên kết C – C giữa các tinh thể nhỏ xíu với nhau trong kim cương đa tinh thể yếu hơn liên kết C – C trong mạng tinh thể kim cương đơn tinh thể, nên các tính chất dẫn nhiệt, trong suốt về quang học và độ bền của kim cương đa tinh thể không cao bằng kim cương đơn tinh thể. Trên thực tế, đối với một số ứng dụng – đặc biệt, nhất là những ứng dụng điện, người ta chỉ có thể sử dụng kim cương đơn tinh thể. Để có thể thay thế silic trong sản xuất dụng cụ điện tử, người ta cần có kim cương đơn tinh thể chất lượng cao với kích thước lớn thích hợp. Phương pháp CVD của Công ty Apollo đã cho phép tạo ra kim cương đơn tinh thể như vậy, tương tự như kim cương tự nhiên.
Năm 2003, Công ty Element Six của Anh đã lần đầu tiên sản xuất được những tấm kim cương vuông với kích thước đường chéo tới 5 mm. Theo Công ty này, trong tương lai họ có khả năng sản xuất được những tấm kim cương với kích thước đường chéo trên 4 inch (khoảng 100 mm).
Nhờ tính dẫn nhiệt cao và tính lưu động điện tử cao, kim cương bán dẫn đơn tinh thể sẽ là vật liệu thích hợp cho các dụng cụ điện tử công suất cao. Nhiều công ty đã tích cực nghiên cứu tìm cách chế tạo các loại kim cương bán dẫn loại p và loại n. Những vật liệu này có triển vọng ứng dụng đầy hứa hẹn: Ngày nay các mạch vi xử lý phải chạy với nhiệt độ ngày càng cao hơn, do số transitor lắp trên chúng ngày càng nhiều. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, vật liệu silic sẽ không thể đáp ứng yêu cầu về khả năng chịu nhiệt. Khi đó kim cương sẽ là vật liệu thay thế hoàn hảo.
(Tài liệu sưu tầm)