Danh mục
Nguồn gốc nhẫn cưới
Nguồn gốc nhẫn cưới Ngày đăng: 29/10/2016

Nhẫn cưới chính là sự minh chứng cho một tình yêu vĩnh hằng, là vật thiêng liêng của bất kì đôi vợ chồng nào trên thế giới. Nhưng ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa ẩn sâu đằng sau vòng tròn lấp lánh ấy. Trong bài viết này, Trung tâm mua/sắm VBĐQ Phú Tài sẽ chia sẻ tới bạn đọc một số điều thú vị về nguồn gốc nhẫn cưới, tại sao nhẫn cưới đeo ở ngón áp út và sự khác biệt giữa nhấn đính hôn và nhẫn cưới nhé.

Nguồn gốc

Như chúng ta đã biết,  chiếc nhẫn là vật quan trọng trong hôn lễ  và nó đã "xuất hiện" hơn 1000 năm trước. Vào thế kỷ thứ 9, Kitô giáo đã phỏng tạo nó theo ngoại giáo. Nguồn gốc do sự mê tín dị đoan cổ đại, do ma thuật và việc bắt cóc người vợ. Hình dáng chiếc nhẫn vừa thực dụng, vừa an toàn, vừa tiêu biểu. Theo chữ viết Ai Cập, vòng tròn là hình ảnh của Mặt Trời, Mặt Trăng thiêng liêng và tuần hoàn giống như cuộc sống. Vòng tròn bên trong nhẫn không phải là một khoảng không vô nghĩa mà nó là hình ảnh cánh cửa mở ra một thế giới mới, chứa đựng vô vàn điều bí ẩn. Vì vậy, từ bao đời nay nhẫn cưới luôn gắn liền với tình yêu, mang theo hi vọng về những cảm xúc quý giá của con người sẽ đẹp mãi, hoàn hảo và vĩnh cửu.

 

Chiếc nhẫn xuất xứ ở Phương Đông, phiên bản của người Hy Lạp cổ đại. Sau đó, người Rôma coi là thói quen và truyền thống, cuối cùng, cả thế giới đều theo. Ngày nay, chiếc nhẫn đeo tay làm theo kiểu dải băng lớn quấn quanh cổ tay, cổ chân hoặc eo. Loài người sơ khai tin vào ma thuật, người đàn ông quấn sợi dây quanh người phụ nữ mà chính người đó đã chọn cho mình, và tin rằng "Chiếc vòng kỳ diệu" này sẽ "Trói buộc" nàng với chàng. Như vậy, nàng thuộc về chàng bởi sức mạnh siêu nhiên không bao giờ khả dĩ phân ly. Người ta còn tin rằng có "bùa mê" trong chiếc nhẫn sẽ ngăn cản thần dữ "quấy nhiễu" cô dâu để đe doạ hạnh phúc hôn nhân. Theo thói quen người Rôma cổ đại, chiếc nhẫn cũng  là để tránh sự phản bội và lời thề chung thuỷ. Theo thuật ngữ cận đại, chiếc nhẫn là sự thiết lập đầu tiên. Từ đó, chiếc nhẫn "nói" cho những chàng trai khác biết rằng " Hoa đã có chủ". 

Với người Do thái, chiếc nhẫn được biết đến từ thế kỷ thứ 8 (sau công lịch). Nó thay thế cho thói quen trao đồng tiền nhỏ cho cô dâu như một lời hứa về khả năng của người chồng phải có trách nhiệm với vợ mình. Chiếc nhẫn không chủ đích là đồ trang sức, nhưng là để phụ nữ biết quý trọng báu vật.

Từ xa xưa, theo kết quả những cuộc khai quật và tài liệu kinh thánh đã chứng minh chiếc nhẫn là một dấu ấn, và chứng thực những gì đã ký kết. Trao nhẫn cũng biểu hiện trao quyền: Vua Pharaoh đã tháo nhẫn và trao cho Joseph quyền cai quản. Cũng vậy, việc trao nhẫn cho vợ chứng tỏ nàng đến để chia vui sẻ buồn với chàng và được công nhận quyền bình đẳng trong gia sự, hình tròn biểu tượng tính vĩnh viễn của hôn ước. Năm 800 (sau công lịch), Đức giáo hoàng Nicholas đã áp dụng việc dùng nhẫn trong hôn lế tôn giáo, vừa là kỷ vật vừa là lời hứa trung thành của khế ước hôn nhân, biểu hiện tính vĩnh viễn trọn vẹn của tình yêu. Điều đó nhắc nhở người vợ về tính thánh thiện của hôn nhân. Hình tròn của của chiếc nhẫn cũng biểu hiện sự hoà hợp và hoàn hảo. Sự vừa vặn đeo nhẫn vào ngón tay là biểu hiện tính liên tục của hệ luỵ thiêng liêng và nhắc nhở cả hai vợ chồng rằng tình yêu "chảy' vào nhau theo chu kỳ vòng tròn không ngừng và mãi mãi.

Theo phân tâm học, chiếc nhẫn đeo ở ngón tay là biểu hiện hệ luỵ hôn nhân luôn gắn bó người nam và người nữ với nhau qua tình yêu và lòng chung thuỷ "khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi vui sướng cũng như lúc gian nan, khi nghèo cũng như lúc giàu..."

Tại sao nhẫn cưới được đeo ở ngón áp út

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhẫn cưới lại được đeo ở ngón áp út không? Hãy thử làm theo điều này nhé. Bạn để hai bàn tay đối diện, gập ngón giữa lại và áp sát vào nhau rồi cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón. Bạn sẽ thấy các ngón cái, trỏ, út đều dễ dàng tách ra nhưng riêng hai ngón áp út lại không thể rời.

 

Và đây cơ sở để người Trung Quốc đưa ra một cách giải thích rất thú vị và thuyết phục về lý do đeo nhẫn cưới ở ngón áp út. Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn. 

Khi thử úp hai bàn tay theo kiểu đã nói ở trên, bạn sẽ thấy chỉ có ngón áp út là không thể tách nhau ra được. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn. Anh em cũng sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.

Còn với ngón áp út, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi không thể tách rời chúng ra khỏi nhau. Đó là vì bạn cùng người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó không thể tách rời suốt cả cuộc đời, cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.  Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.

Sự khác nhau giữa nhẫn đính hôn và nhẫn cưới

Trong hai loại nhẫn, nhẫn đính hôn sẽ là loại được sử dụng đầu tiên trong chặng đường tình yêu của đôi uyên ương. Khi muốn cô gái đồng ý chung sống trọn đời với mình, các chàng trai sẽ phải ngỏ lời cầu hôn và khi đó, vật đính ước sẽ là chiếc nhẫn đính hôn xinh xắn.

Chàng trai sẽ chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ hoặc một không gian riêng dành cho hai người để tặng nhẫn và ngỏ lời cầu hôn với người yêu của mình. Nếu cô gái nhận chiếc nhẫn đính hôn và đeo trên tay nghĩa là cô đã ra một "quyết định ngầm" rằng mình chấp nhận lời cầu hôn và sẽ gắn bó trọn đời với chủ nhân của chiếc nhẫn bằng một đám cưới trong thời gian sớm nhất có thể

Thực tế, nhẫn đính hôn phổ biến ở phương Tây và trong vài năm trở lại đây, loại nhẫn đặc biệt này mới được người châu Á và Việt Nam dần ưa chuộng. Từ trước tới nay, nhẫn đính hôn chỉ có duy nhất một chiếc và chỉ dành cho nữ, hiếm có trường hợp nào cả đôi uyên ương đều đeo nhẫn đính hôn.

Về kiểu dáng, nhẫn đính hôn đa số là nhẫn kiểu, không phải dạng vòng tròn trơn như nhẫn cưới. Trên nhẫn đính hôn thường được đính đá nổi, nếu có điều kiện kinh tế, chàng trai có thể tặng nhẫn đính hôn nạm kim cương, hoặc các loại đá quý. Nhẫn đính hôn phổ biến nhất thường chỉ đính duy nhất một viên đá quý, màu sắc, kiểu dáng phù thuộc chủ yếu vào sở thích của cô gái.

Ngày nay, nhẫn đính hôn khá đa dạng vì nhu cầu và sở thích của các cô gái cũng phong phú hơn. Nhẫn có thể đính nhiều loại đá hay được trang trí cầu kỳ và các chàng trai không ngại ngần để một chiếc nhẫn đính hôn ưng ý nhất, với viên đá quý sang trọng để làm vừa lòng người yêu của mình.

Khác với nhẫn đính hôn, nhẫn cưới được sử dụng trong một sự kiện quan trọng hơn, đó là ngày cưới. Chiếc nhẫn chính là lời công bố khéo léo với tất cả mọi người rằng, đôi uyên ương đã gắn kết và sẽ trọn đời bên nhau. Nhẫn cưới được nhiều người coi là biểu trưng cho sự ràng buộc trong hôn nhân, thể hiện tình yêu hạnh phúc của cặp vợ chồng mới cưới và là thông điệp rõ ràng về tình trạng hôn nhân của người đeo nhẫn. 

 

Nhẫn cưới được biết đến trên toàn thế giới trong nhiều năm nay và là vật không thể thiếu.  Về số lượng, nhẫn cưới luôn luôn phải đi theo cặp, gồm hai chiếc và có nét trang trí tương đối giống nhau hoặc có những điểm chung nhất định.

Về kiều dáng, nhẫn cưới khác hẳn so với nhẫn đính hôn. Nếu nhẫn đính hôn được trang trí cầu kỳ, chú trọng vào các chi tiết tinh tế, đính đá, thì ngược lại, nhẫn cưới khá đơn giản nhằm phù hợp với cả cô dâu và chú rể. Nhẫn cưới đa số là dạng nhẫn tròn trơn, không có nhiều họat tiết trên thân.

Hiện nay, nhiều cô dâu chú rể thích sự cầu kỳ lại yêu thích đôi nhẫn cưới được trạm trổ tinh tế, nhưng vẫn giữ nét trơn cổ điển. Nhẫn cưới có thể đính một hoặc vài viên đá chìm để làm tăng nét mềm mại cho nhẫn. Đặc biệt, các chuyên gia trang sức còn khiến nhẫn cưới mang dấu ấn cá nhân tinh tế khi khắc tên cô dâu chú rể hoặc ngày cưới vào vòng trong của nhẫn.

Ngoài những sự khác biệt, nhẫn cưới và nhẫn đính hôn lại có điểm chung về chất liệu. Cả hai loại nhẫn này đều có thể sử dụng các chất liệu như vàng màu, vàng trắng, bạch kim. Ngoài ra, hai loại nhẫn này còn có một điểm chung khác, đó là đều được đeo ở ngón tay áp úp.

Nhiều cô dâu băn khoăn về việc đeo nhẫn đính hôn sau đám cưới, vì không muốn cất nhẫn đính hôn đi. Để giải quyết vấn đề này, nhiều người chọn cách đeo đồng thời cả nhẫn đính hôn và nhẫn cưới trên ngón tay áp úp. Ngoài ra, một số cô dâu lại chọn cách chuyển nhẫn đính hôn sang ngón tay áp út của bàn tay phải và đeo nhẫn cưới vào ngón áp út bàn tay trái.

Đối với đa số các đôi uyên ương người Việt, vì chưa tiếp thu văn hóa đính hôn trước ngày cưới và muốn tiết kiệm chi phí, các chú rể đa số chỉ dùng một cặp nhẫn cưới để sử dụng trong ngày thành hôn, còn khi ngỏ lời cầu hôn, họ sẽ chuẩn bị những hành động lãng mạn và không gian riêng của hai người.

Có thể nói, chiếc nhẫn trong ngày cưới có ý nghĩa vô cùng cao đẹp. Nó thể hiện sự gắn bó của đôi trai gái với nhau qua tình yêu và lòng chung thủy. Thể hiện trách nhiệm đã thuộc về nhau “khi bệnh hoạn cũng như khi mạnh khỏe, khi vui sướng cũng như lúc gian nan, khi giàu cũng như khi nghèo”.

(Tài liệu sưu tầm)