Vàng là một loại kim loại quý hiếm, có công thức hóa học là Au. Ước tính tổng cộng có 190.040 tấn vàng tồn tại trên mặt đất. Câu hỏi đặt ra là vàng được hình thành như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi trong bài viết sau đây.
Vàng được sử dụng làm nguyên liệu tinh chế các loại trang sức đắt tiền hoặc được đúc miếng làm tài sản tích trữ. Tiêu thụ vàng thế giới mới được sản xuất là khoảng 50% trong trang sức, 40% trong đầu tư và 10% trong công nghiệp.
Tính dễ uốn, độ dẻo cao, khả năng chống ăn mòn của vàng và hầu hết các phản ứng hóa học khác và tính dẫn điện đã dẫn đến việc nó tiếp tục được sử dụng trong các đầu nối điện chống ăn mòn trong tất cả các loại thiết bị máy tính (lĩnh vực sử dụng chính trong công nghiệp).
Vàng cũng được sử dụng trong che chắn tia hồng ngoại, sản xuất thủy tinh màu, vàng lá và phục hồi răng. Một số muối vàng vẫn được sử dụng làm chất chống viêm trong y học.
Tính đến năm 2017 tổng cộng có 190.040 tấn vàng tồn tại trên mặt đất. Điều này tương đương với một khối lập phương với mỗi cạnh có kích thước khoảng 21,3 mét. Trung tâm Khảo sát Địa chất của Mỹ ước tính, hiện trên trái đất vẫn còn khoảng 52.000 tấn vàng chưa được khai thác
Tính đến năm 2017, nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc với 440 tấn mỗi năm.
Các nhà khoa học thuộc ĐH Queensland (Australia) đã công bố công trình nghiên cứu chứng tỏ vàng được tạo ra nhờ nước và động đất. Dion Weatherley, một nhà địa vật lý tại Đại học Queensland, Australia và là tác giả chính của nghiên cứu tiết lộ: “Động đất gây ra hiện tượng đứt gãy địa chất, tạo nên vô số các khe hở. Nước nhanh chóng choán đầy những khe hở này. Điều đặc biệt xảy ra ở khoảng 10km dưới lòng đất, nơi có áp suất và nhiệt độ cực kỳ cao".
"Điều kiện môi trường như vậy, cộng với việc nước mang nồng độ cao các chất carbon điôxít, silíc điôxít cùng một số chất cần thiết khác sẽ giúp tạo ra vàng. Sau đó, dư chấn hoặc các trận động đất khác khiến những khe hở mở rộng hơn làm áp suất giảm đột ngột, nước nhanh chóng bay hơi và bất cứ hạt vàng nào tồn tại trong chất lỏng đều kết tủa gần như ngay lập tức”.
Quá trình kiến tạo trong vỏ Trái đất khiến động đất lặp đi lặp lại giúp hình thành lớp vàng trầm tích (trầm tích cát vàng). Các nhà khoa học cho biết vàng trên thế giới có nguồn gốc từ các mạch trầm tích hình thành trong thời kỳ địa chất tạo núi diễn ra 3 tỷ năm trước đây.
Nghiên cứu của các nhà địa chất Australia cũng cho biết, chấn động duy nhất sẽ không tạo ra vàng có giá trị kinh tế. Để tạo thành một mạch chứa 100 tấn vàng sẽ mất 100.000 năm.
Ở Việt Nam, quặng vàng phân bố rải rác ở nhiều nơi với quy mô nhỏ, tổng tài nguyên tính được khoảng vài nghìn tấn và trữ lượng chỉ đạt vài trăm tấn. Đến nay đã phát hiện gần 500 điểm quặng và mỏ vàng gốc (quặng vàng thực thụ và các loại quặng khác có chứa vàng). Trong đó có gần 30 nơi đã được tìm kiếm thăm dò và đánh giá trữ lượng với số lượng khoảng 300 tấn vàng.
Grasberg ở Indonesia được xem là mỏ vàng lớn nhất thế giới. Năm 2018, mỏ này sản xuất khoảng 2,7 triệu ounce vàng. Sản lượng vàng đạt mức cao nhất vào năm 2001, với sản lượng trên 3,5 triệu ounce. Nằm ở độ cao 4.100m so với mực nước biển, mỏ vàng Grasberg được phát hiện vào năm 1936 bởi một nhà địa chất người Hà Lan.
Trong khi đó, Muruntau ở Uzbekistan là mỏ khai thác vàng lộ thiên, ước tính sản xuất khoảng 2,4 triệu ounce vàng vào năm 2018. Từ khi được phát hiện vào năm 1958 đến nay, mỏ đã khai thác được hàng trăm triệu tấn vàng.
Mỏ vàng Olimpiada ở nước Nga được đánh giá có trữ lượng khoảng 28 triệu ounce vàng. Còn mỏ vàng Lihir nằm ở Papua New Guinea cũng được đánh giá là nơi có lắm vàng. Chỉ riêng năm 2018, mỏ này sản xuất khoảng 976.000 ounce vàng.
Kho vàng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tại New York, Mỹ là kho vàng lớn nhất thế giới, nó chứa khoảng 540.000 thanh vàng, mỗi thanh nặng khoảng 12,7 kg. Số lượng vàng khoảng 6000 tấn này chiếm khoảng 25% lượng vàng dự trữ của thế giới, có trị giá gần 200 tỷ USD. Số vàng này thuộc sở hữu của 48 ngân hàng trung ương nước ngoài và 12 tổ chức quốc tế, chỉ 5% trong số đó thuộc sở hữu của Mỹ.
Kho vàng này được xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1924, tọa lạc ở độ sâu 9m dưới hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, bên trong Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tại thành phố New York, Mỹ. Kho vàng của FED có kích thước bằng một sân bóng đá.
Kho chứa vàng Fort Knox, thuộc sở hữu của Cục Dự trữ Vàng Quốc gia Mỹ, nằm trong căn cứ quân sự ở bang Kentucky. Kho này chứa khoảng 4.582 tấn vàng.
Tầng hầm tích trữ vàng của ngân hàng Anh tọa lạc trên Đường Threadneedle tại thủ đô London được xây dựng vào những năm 1930. Tầng hầm này chứa hơn 400.000 thanh vàng (trung bình mỗi thanh vàng nặng 400 ounce, tương đương hơn 5.000 tấn). Đa phần số vàng này thuộc về chính phủ Anh, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới và Hiệp hội Thị trường Vàng thành phố London.
Kho vàng dự trữ của Ngân hàng Bundesbank tại Frankfurt, Đức chứa khoảng 3.384 tấn vàng, trị giá 117 tỉ euro.
Kho dự trữ vàng của Ngân hàng Quốc gia Pháp: Tọa lạc ở độ sâu 29m dưới mặt đường, kho dự trữ vàng của Ngân hàng Quốc gia Pháp chứa 2.435 tấn vàng. Mỗi thỏi vàng có trọng lượng 12,4kg, được đúc thành khối hình thang.
Kho chứa vàng của ngân hàng Credit Suisse, Thụy Sĩ: Tầng hầm chứa vàng của ngân hàng ngân hàng Credit Suisse, Thụy Sĩ chứa 1.040 tấn vàng, tính tới tháng 2/2013.
(Phú Tài tổng hợp biên soạn)